Viêm phúc mạc là biến chứng nguy hiểm hàng đầu ở bệnh nhân lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD). Bệnh có thể đe dọa tính mạng nếu chậm trễ điều trị. Làm thế nào để nhận biết sớm triệu chứng, xử trí kịp thời và phòng ngừa tái phát? BSCKII Nguyễn Thị Huyền - Chuyên gia Thận tiết niệu, Trung tâm Thận tiết niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải mã chi tiết qua bài phỏng vấn dưới đây.
Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, xin bác sĩ chia sẻ đôi nét về biến chứng viêm phúc mạc ở bệnh nhân lọc màng bụng liên tục ngoại trú (CAPD)?
BSCK2 Nguyễn Thị Huyền: Viêm phúc mạc là biến chứng khá thường gặp ở bệnh nhân CAPD, xảy ra khi màng bụng phản ứng viêm do nhiễm vi khuẩn hoặc do nấm. Nếu phát hiện sớm và điều trị đầy đủ, kịp thời thì bệnh nhân có thể hồi phục tốt và tiếp tục phương pháp lọc màng bụng. Tuy nhiên nếu chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thậm chí phải từ bỏ phương pháp điều trị này (rút catheter lọc màng bụng).
PV:Triệu chứng lâm sàng nào giúp nhận biết viêm phúc mạc ở nhóm bệnh nhân này, thưa bác sĩ?
BSCK2 Nguyễn Thị Huyền: Triệu chứng thường gặp có thể gồm:
Đau bụng: Có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội, đôi khi không rõ ràng.
Dịch lọc đục: Dấu hiệu đặc trưng nhất.
Sốt: Nhưng không phải tất cả bệnh nhân viêm phúc mạc đều sốt.
Phản ứng thành bụng: Thường xuất hiện muộn hơn khi viêm đã lan rộng.
Đôi khi các triệu chứng đều chưa rõ ràng, thậm chí có bệnh nhân khởi phát chỉ là bị rối loạn tiêu hóa (đi ngoài phân lỏng hoặc nhiều lần).
PV: Nguyên nhân chủ yếu gây viêm phúc mạc là gì, thưa bác sĩ?
BSCK2 Nguyễn Thị Huyền: Phổ biến nhất là nhiễm khuẩn do thao tác không vô trùng khi thay dịch. Ngoài ra, nhiễm trùng từ vị trí catheter (ống thông) lan vào khoang bụng cũng có thể xảy ra. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình vệ sinh, quy trình thay dịch của bệnh nhân.
PV: Vậy quy trình chẩn đoán viêm phúc mạc được thực hiện thế nào?
BSCK2 Nguyễn Thị Huyền: Chúng tôi kết hợp các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng với các bước sau:
- Xét nghiệm dịch lọc: Số lượng bạch cầu đa nhân trung tính >100/mm³ (trên 50% là BC đa nhân).
- Nuôi cấy dich lọc màng bụng: Xác định vi khuẩn gây bệnh ( E.coli, trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu, nấm...)
- Xét nghiệm dịch lọc tìm trực khuẩn lao: Nhuộm soi, PCR lao nếu nghi ngờ.
- Cấy máu: Đánh giá nhiễm trùng huyết kèm theo.
PV: Vậy, điều trị viêm phúc mạc ở bệnh nhân CAPD cần lưu ý gì?
BSCK2 Nguyễn Thị Huyền: có 3 lưu ý sau
Thứ nhất, kháng sinh tại chỗ: Pha vào dịch lọc, ngâm trong ổ bụng.
Thứ hai, kháng sinh toàn thân: Dùng khi nhiễm trùng nặng, có nguy cơ biến chứng.
Thứ ba, thời gian điều trị: Trung bình 14 ngày, có thể kéo dài tùy đáp ứng và tùy từng vi khuẩn cụ thể. Trường hợp nhiễm nấm hoặc lao cần phác đồ đặc hiệu.
PV: Bệnh nhân cần làm gì để phòng ngừa biến chứng này?
BSCK2 Nguyễn Thị Huyền: Vệ sinh tay đúng cách bằng xà phòng, nước sát khuẩn; Đeo khẩu trang khi thay dịch; Thao tác trong phòng sạch, tránh gió lùa; Vệ sinh chân catheter hàng ngày, theo dõi dấu hiệu sưng/đỏ quanh ống thông.
Tái khám ngay nếu dịch lọc đục hoặc đau bụng.
PV:Xin cảm ơn những chia sẻ hữu ích của bác sĩ!
----------------------------------------------------
HƯỚNG DẪN ĐẶT LỊCH KHÁM THEO YÊU CẦU CHUYÊN KHOA THẬN TIẾT NIỆU VÀ LỌC MÁU TẠI NHÀ K1
Cách 1: Gọi số Hotline Tổng đài bệnh viện: 1900.888.866
Cách 2: Gọi hoặc nhắn tin đăng ký vào số Zalo: 0965.795.470
Cách 3: Nhắn tin vào fanpage Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu.