Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ bệnh giãn tĩnh mạch tinh gặp ở 40% nam giới vô sinh nguyên phát và 80% các trường hợp vô sinh thứ phát. Các phương pháp để “cứu” tinh hoàn và “bí quyết vàng” để phòng bệnh là gì? Thông tin chi tiết xin xem bài viết dưới đây!
Phóng viên: Trên góc nhìn của chuyên gia về phẫu thuật tiết niệu, bác sĩ có thể cho bạn đọc biết các cấp độ của bệnh giãn tĩnh mạch tinh?
ThS.BSCKI. Trần Quốc Khánh: Giãn tĩnh mạch tinh được phân loại trên lâm sàng theo Dubin và Amelar mức độ tổn thương:
- Độ I: Sờ thấy búi tĩnh mạch khi rặn, nhưng không nhìn thấy bằng mắt thường lúc nghỉ.
- Độ II: Dễ dàng sờ thấy khối giãn ngay cả khi không rặn, nhưng không nhìn thấy khi nghỉ
- Độ III: Khối giãn lớn, nổi rõ nhìn thấy dưới da bìu ngay cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi
Ngoài ra, siêu âm Doppler là “tiêu chuẩn vàng” để xác định mức độ trào ngược máu, trong khi xét nghiệm tinh dịch đồ giúp đánh giá ảnh hưởng của bệnh đến chất lượng tinh trùng ở nam giới vô sinh.
Phóng viên: Nếu không may bị mắc bệnh, người bệnh có thể được điều trị bằng những phương pháp nào, thưa bác sĩ?
ThS.BSCKI. Trần Quốc Khánh: Tùy vào mức độ bệnh và nguyện vọng sinh sản, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp:
- Phẫu thuật vi phẫu:
+ Ưu điểm: Bảo tồn động mạch tinh, mạch bạch huyết nhờ kính hiển vi, giảm nguy cơ teo tinh hoàn và tái phát (<5%).
+ Hạn chế: Đòi hỏi bác sĩ giàu kinh nghiệm, thời gian phẫu thuật kéo dài 1-2 giờ.
- Phẫu thuật nội soi:
+ Thực hiện qua đường bụng, phù hợp cho trường hợp giãn tĩnh mạch hai bên.
+ Lưu ý: Có thể gây tràn dịch màng tinh hoàn nếu không bảo tồn bạch mạch.
+ Tỉ lệ tái phát cao do không kiểm soát được tĩnh mạch dây chằng bìu, tĩnh mạch tinh ngoài.
+ Biến chứng liên quan đến nội soi ổ bụng, gây mê
- Thủ thuật ít xâm lấn:
+ Nút tĩnh mạch bằng coil hoặc tiêm chất gây xơ hóa qua da, ưu tiên cho bệnh nhân không đáp ứng phẫu thuật.
Phóng viên: Phòng bệnh hơn chữa bệnh, bác sĩ có thể cho cánh đàn ông những thông tin cần thiết để phòng bệnh, thưa bác sĩ?
ThS.BSCKI. Trần Quốc Khánh: Giãn tĩnh mạch tinh có thể phòng ngừa bằng cách kết hợp lối sống khoa học và khám sức khỏe định kỳ:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt:
Tránh đứng/ngồi lâu, hạn chế mang vác nặng.
Mặc quần đùi rộng rãi, chất liệu thấm hút để giảm nhiệt độ vùng bìu.
- Khám nam khoa định kỳ:
Nam giới từ 15-25 tuổi nên kiểm tra tinh hoàn 1-2 năm/lần.
Các cặp vợ chồng hiếm muộn cần tầm soát sớm để loại trừ nguyên nhân do giãn tĩnh mạch.
- Can thiệp kịp thời:
Điều trị ngay khi phát hiện bệnh, tránh để lâu dẫn đến suy giảm chức năng tinh hoàn.
Phóng viên: Là chuyên gia trong chuyên ngành phẫu thuật tiết niệu, bác sĩ có lời khuyên gì cho cộng đồng?
ThS.BSCKI. Trần Quốc Khánh: Giãn tĩnh mạch tinh không phải là bệnh nan y, nhưng nếu chủ quan, nó có thể “đánh cắp” thiên chức làm cha của nhiều người. Ngay khi nhận thấy dấu hiệu bất thường như đau tức bìu, thấy những búi giãn vùng bìu hoặc khó có con, hãy đến Bệnh viện Bạch Mai hoặc các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị sớm. Sức khỏe sinh sản là nền tảng của hạnh phúc gia đình - đừng ngại chia sẻ để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất!
-------------------------
Nếu bệnh nhân có những triệu chứng như trên thì có thể liên hệ hoặc khám trực tiếp ở tầng 4, phòng 402 (nhà K1) và tầng 1, phòng 103 (nhà K2) thuộc Khoa Phẫu thuật Tiết niệu - Bệnh viện Bạch Mai
Hotline : 0393.190.113
Page : https://www.facebook.com/share/1KSZ5NzFRD/?mibextid=wwXIfr