Ngày 17/04/2025, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức buổi "Sinh hoạt khoa học Điều dưỡng" với 2 nội dung tham luận: "Kỹ thuật thiết lập đường truyền khó - Giải pháp nâng cao chất lượng người bệnh" và “Áp dụng thang điểm VIP đánh giá viêm đường truyền” do ThS. Lê Quang Trí và ThS. Ngô Thị Thúy - hai chuyên gia đầu ngành về chăm sóc đường truyền tĩnh mạch chia sẻ. Hội thảo thu hút sự tham gia của các điều dưỡng viên Bệnh viện Bạch Mai và điều dưỡng viên trên cả nước tham gia qua link.
Giải quyết bài toán đường truyền khó bằng công nghệ
ThS. Lê Quang Trí - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Cấp cứu A9 mở đầu bằng thực trạng đáng quan tâm: "39% người bệnh gặp khó khăn khi đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi (PIVC), đặc biệt ở nhóm béo phì, suy kiệt hoặc có tiền sử hóa trị. Mỗi lần đặt đường truyền thất bại làm trì hoãn điều trị trung bình 120 phút, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và tổn thương tâm lý cho người bệnh".
Để giải quyết vấn đề này, ThS. Quang Trí giới thiệu thang điểm DIVA (Difficult Intravenous Access), giúp đánh giá nguy cơ dựa trên 5 yếu tố: tuổi tác, thể trạng cơ thể, tiền sử bệnh lý, giải phẫu mạch máu và tình trạng hiện tại. Khi thất bại sau 2 lần đặt kim truyền thống, việc ứng dụng siêu âm mạch máu là bước đột phá: "Siêu âm giúp định vị tĩnh mạch sâu với độ chính xác lên đến 85%, giảm thời gian thủ thuật từ 30 phút xuống còn 5-10 phút", Ths. Trí chia sẻ.
Bên cạnh đó, Ths. Quang Trí nhấn mạnh tầm quan trọng của IV Team – đội ngũ chuyên gia tiếp cận mạch máu được đào tạo bài bản. "IV Team không chỉ đặt catheter thành công ngay từ lần đầu mà còn hướng dẫn đồng nghiệp kỹ thuật mới, giảm tỷ lệ biến chứng xuống 3-5%", ông khẳng định. Các loại catheter như Midline (thời gian lưu 5-14 ngày) và PICC (phù hợp truyền thuốc kích ứng) cũng được đề xuất như giải pháp thay thế tối ưu cho đường truyền dài ngày.
Thang diểm VIP - "Mắt Thần" phát hiện sớm viêm tĩnh mạch
ThS. Ngô Thị Thúy - Điều dưỡng Trung tâm Cấp cứu A9 trình bày về thang điểm VIP (Visual Infusion Phlebitis Score), công cụ đánh giá viêm tĩnh mạch qua 6 mức độ từ 0 đến 5. "Viêm tĩnh mạch xảy ra ở 20 - 80% người bệnh có đường truyền, nhưng 70% trường hợp có thể ngăn ngừa nếu phát hiện sớm qua các dấu hiệu: đau, đỏ, sưng", ThS Thúy nhấn mạnh.
Theo ThS. Thúy, thang điểm VIP giúp chuẩn hóa quy trình chăm sóc:
- Độ 0-1: Theo dõi định kỳ, điều chỉnh tốc độ truyền.
- Độ 2: Rút catheter, đặt lại vị trí khác.
- Độ 3-5: Kết hợp chườm ấm, dùng kháng sinh và theo dõi sát sao.
ThS. Thúy chia sẻ: "Áp dụng VIP giúp giảm 50% tỷ lệ huyết khối và rút ngắn thời gian nằm viện trung bình 2 ngày". Đồng thời, ThS. Thúy đưa ra 7 giải pháp phòng ngừa viêm tĩnh mạch từ INS 9th, bao gồm: chọn catheter phù hợp, tuân thủ vô khuẩn, sử dụng hệ thống truyền kín và truyền thông giáo dục sức khỏe cho người bệnh.
Điều dưỡng – Trung tâm của hoạt động chăm sóc toàn diện
Hội thảo kết thúc với phiên thảo luận sôi nổi, nơi các đại biểu cùng trao đổi về cách triển khai IV Team và thang điểm VIP tại đơn vị. Chủ tọa buổi Hội thảo, TS. Hoàng Minh Hoàn - Điều dưỡng trưởng Trung tâm Hồi sức tích cực nhận định: "Sinh hoạt khoa học điều dưỡng không chỉ nâng cao chuyên môn mà còn khẳng định vị thế không thể thay thế của điều dưỡng trong hệ thống y tế. Khi kết hợp công nghệ hiện đại với quy trình chuẩn, chúng ta đặt người bệnh làm trung tâm, hướng tới chăm sóc an toàn và nhân văn".
Với những chia sẻ từ ThS. Lê Quang Trí và ThS. Ngô Thị Thúy, Hội thảo đã mở ra hướng tiếp cận toàn diện từ kỹ thuật thiết lập đường truyền khó đến phòng ngừa biến chứng, chứng minh điều dưỡng Việt Nam đang không ngừng tiến bộ, sánh vai cùng đồng nghiệp quốc tế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân./.